Đề Tài: Khai Thị

Nhuộm Tơ

Mặc Tử thấy nhuộm tơ thì nghĩ:

“Nhuộm màu xanh thì hóa xanh, nhuộm màu vàng thì hóa vàng. Nhuộm vào màu nào thì ra màu nấy. Năm làn nhuộm thì năm màu sắc, nên phải cẩn thận khi nhuộm.

Không những tơ như vậy mà con người cũng như vậy. Con người ảnh hưởng nhau như vậy. Bạn hay thì mình hay, bạn dở thì mình hóa dở. Thành công hay thất bại có liên quan mật thiết với bạn mình lui tới.”

* * * * *

Khai Thị | Phản hồi

Bổn Phận Người Làm Quan

Một vị đại quan đời xưa dạy rằng: “Quan làm việc cho dân chứ không phải dân phải phục vụ cho quan. Dân trả thuế để mướn quan giữ công bình cho dân. Rất tiếc thời nay, nhiều quan thì biết lấy thuế dân nhưng làm việc thì lười biếng, trễ nải, lại thường lợi dụng, trộm cắp của dân.

Nay ngươi sắp làm quan thì phải quyết tâm dậy sớm, đêm suy nghĩ về công việc, làm việc siêng năng, phán xét công minh thì lấy tiền dân cũng đáng.”

* * * * *

Khai Thị | Phản hồi

Không Nên Cố Chấp

Cổ nhân nói:

Trời không thể nào làm hoa nọ nở mùa kia, nên thánh nhân không làm việc trái thời.

Đất Mẹ không thể làm thay đổi các mùa, nên thánh nhân không đi ngược với phong tục.

Thánh nhân không thể khiến tay biết đi và chân biết cầm, nên thánh nhân biết tự lượng sức mình.

Thánh nhân lại không thể khiến cá biết bay và chim biết lặn, nên thánh nhân tôn trọng sự khiếm khuyết của người khác.

Vì thế, người có trí huệ phải biết lúc động lúc tĩnh, lúc sáng lúc tối, không nên cố chấp vào bất cứ gì.

Khai Thị | Phản hồi

Dân Là Nhất

Mạnh Tử dạy rằng, muốn nước vững thì cần ba thành phần:

  1. Dân.
  2. Xã tắc.
  3. Vua.

Theo thứ tự như trên.

Mặc dầu dân thiếu quyền hành nhưng vì  là thành phần đông đảo nhất nên quan trọng nhất.

Xã là thần đất; tắc là thần luá. Người xưa biết rằng mỗi nơi chốn đều có thần đất cai quản và thần mùa màng phụ trách sự thu hoạch sau khi trồng trọt. Tuy nhiên, thần do dân tôn thờ và cúng dường nên thuộc hạng nhì.

Khai Thị | Phản hồi

Cách Trị Dân

Tử Sản vốn học rộng, giỏi chính trị và từng làm tướng nước Trịnh. Ông thường dùng lòng khoan dung để đối đãi với dân.

Khi bệnh nặng thì gọi Tử Thái Thúc đến bảo: “Ta mà chết thì ngươi sẽ làm tướng. Ngươi nên nhớ rằng người có đức thì dùng khoan hòa mà phục dân, trong khi người thường thì phải lấy uy nghiêm mà trị dân. Ví như khi thấy lửa nóng thì người ta sợ, cho nên ít ai chết vì lửa. Ngược lại, thấy nước mát thì coi thường, cho nên nhiều người chết đuối. Biết khoan dung nhưng vẫn tạo sự hoà hợp không phải là dễ.”

Khai Thị | Phản hồi

Trung Thành Xưa Nay

Nước Tề có kẻ thờ vua, nên được vinh quang, giàu có và sung sướng. Khi vua lâm nạn, ông ta không chịu liều chết cứu vua.

Một hôm gặp người quen trên đường. Người quen kinh ngạc hỏi: “Ấy! Sao bác còn sống? Tôi cứ tưởng là bác chết mất rồi.”

Anh ta đáp: “Phải, tôi còn sống. Tôi thờ vua thì cốt là cầu lợi. Chết theo người thì có lợi gì chứ?”

Người quen nói: “Bác ăn ở như thế thì mặt mũi nào mà nhìn tổ tiên ở chín suối?”

Khai Thị | Phản hồi

Ba Điều Vui

Cổ nhân dạy, người quân tử có ba điều vui mà ngay việc làm vua cả thiên hạ cũng không thể nào sánh được.

Cha mẹ còn sống, anh em bình an là một niềm vui.

Ngửa lên không thẹn với trời, cúi xuống không xấu hổ với người là hai điều vui.

Được bậc hiền nhân anh tài trong thiên hạ dạy bảo dẫn dắt là ba điều vui.

* * * * *

Cha mẹ còn tại thế, anh em sung sướng là còn cơ hội tỏ lòng hiếu thảo, nên tâm vui.

Khai Thị | Phản hồi

Bốn Điều Hay Của Bậc Quân Tử

Tử Sản vốn học rộng, giỏi chính trị và từng làm tướng nước Trịnh. Ông dạy rằng bậc quân tử có bốn điều hay:

  1. Đối mình thì tự trọng.
  2. Đối với chúa thì kính trọng.
  3. Chăn dân thì phải có ân huệ.
  4. Trị dân thì có nghĩa.

Như thế thì trong nước dễ an ổn và hoà hợp và ngoài nước thì được nể sợ.

* * * * *

Đây là kinh nghiệm 40 năm trị dân.

Khai Thị | Phản hồi

Nghĩa Công Nặng Hơn Tình Riêng

Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ. Khi qua biên giới, thấy có người phụ nữ tay bồng đứa bé, tay dắt đứa bé khác. Người đàn bà thấy quân đến liền bỏ đứa bé trên tay xuống, bồng đứa bé đang dắt lên tay bỏ chạy. Đứa bé trước được bồng trên tay chạy theo gào khóc. Người đàn bà cứ chạy, không ngoảnh lại.

Tướng Tề bắt người phụ nữ lại hỏi hai đứa bé là ai. Bà ta thưa: “Đứa tôi bế là con của anh tôi, đứa bỏ lại là con tôi. Vì không thể cứu cả hai nên tôi đành bỏ con tôi lại.”

Khai Thị | Phản hồi

Vì Nghĩa Nên Tình

Một phụ nữ nhà giàu về nhà thăm cha mẹ. Có người nữ hầu đi theo, bưng hộp nữ trang. Giữa đường sơ ý làm rớt. Lâu sau mới biết thì hoảng hốt đi tìm.

Thấy người ăn mày đang ngồi giữ hộp nữ trang. Người hầu hoảng hốt nói thì người ăn xin lập tức trả  cho, nói rằng: “Tôi nghèo khổ như thế mà còn lấy cắp của người thì làm sao mà khá được.”

Người nữ hầu mừng rỡ, bèn lấy cái thoa của mình cho anh ta. Anh ăn mày lại từ chối: “Của nhiều còn chẳng lấy thì sao còn tham một chiếc thoa?”

Khai Thị | Phản hồi